Header Ads Widget

Nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh lý nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể. Nhiễm khuẩn huyết thường tiến triển nặng nề và không có chiều hướng tự khỏi nếu không được xử trí điều trị kịp thời.

1. Nhiễm khuẩn huyết là gì?

Nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết) là tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng. Vi sinh vật gây bệnh không cư trú tại một cơ quan bị tổn thương ban đầu, mà theo đường máu lan đi khắp cơ thể.



Bệnh xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi bên trong dẫn đến tổn thương các cơ quan như: gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.

2. Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm như thế nào?

Khi bị nhiễm khuẩn huyết lượng lớn các hóa chất (từ các tác nhân gây bệnh) được tiết vào máu có thể gây ra chứng viêm mãn tính, dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng. Cơ chế đông máu trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến chân tay và các cơ quan nội tạng, dẫn đến việc cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy.

Nhiễm trùng máu đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu, hô hấp, suy gan thận và các tạng khác.

Ở trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra chứng hạ huyết áp, hiện tượng này là "Sốc nhiễm trùng", có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng một số bộ phận như phổi, thận và gan. Giai đoạn này bệnh trở nên rất nặng, có những trường hợp được điều trị tích cực, kháng sinh phù hợp nhưng bệnh nhân vẫn tử vong do sốc nhiễm trùng.

3. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn huyết

Một số đối tượng sau đây có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao:

- Người già, trẻ sơ sinh/đẻ non.

- Người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng corticoid kéo dài, các thuốc chống thải ghép hoặc đang điều trị hóa chất và tia xạ.

- Người bệnh có bệnh lý mạn tính, như tiểu đường, HIV/AIDS, xơ gan, bệnh van tim và tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn.

- Người bệnh cắt lách, nghiện rượu, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt.

- Người bệnh có đặt các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập như đinh nội tủy, catheter, đặt ống nội khí quản...

4. Tác nhân gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp

- Vi khuẩn Gram âm họ Enterobacteriaceae bao gồm: Salmonella, Escherichia coli, Klebsiella, Serratia, và các vi khuẩn Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa, Burkholderia pseudomallei

- Vi khuẩn Gram dương: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis...

- Nấm: Candida, Trichosporon asahii

- Các vi khuẩn kỵ khí thường gặp: Clostridium perfringens và Bacteroides fragilis.

5. Triệu chứng nhiễm trùng máu

- Thân nhiệt trên 38 độ C hoặc dưới 36 độ C

- Nhịp tim nhanh trên 90 nhịp/phút

- Nhịp thở nhanh trên 20 nhịp/phút.

Các trường hợp nhiễm trùng máu nặng sẽ có các triệu chứng như:

- Lượng nước tiểu trung bình giảm mạnh

- Tình trạng tâm thần không ổn định

- Giảm số lượng tiểu cầu

- Khó thở

- Loạn nhịp tim

- Đau vùng bụng

- Sốc nhiễm trùng.

6. Nhiễm trùng máu có lây không?

Đây là căn bệnh hoàn toàn không lây lan, đặc biệt không lây qua tiếp xúc. Bệnh chủ yếu là do vi sinh vật tấn công vào cơ thể, những ai có yếu tố nguy cơ cao nên chú ý phòng tránh các viêm nhiễm. Tóm lại, nhiễm trùng máu là bệnh không lây qua tiếp xúc thông thường.

7. Cách điều trị nhiễm trùng máu

Ngày nay với sự tiến bộ của các phương tiện chẩn đoán, trang thiết bị hỗ trợ tim mạch, hô hấp và kháng sinh thì việc chữa trị nhiễm trùng máu đã có kết quả khả quan, giảm được tỷ lệ tử vong rất nhiều. Việc điều trị bao gồm cả công tác chẩn đoán sớm, loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng từ ổ nguyên phát, hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, chống rối loạn đông máu và kháng sinh.

Trước khi sử dụng kháng sinh nên cấy máu và các bệnh phẩm khác để làm kháng sinh đồ và chọn ra kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, không cần phải chờ kết quả của kháng sinh đồ mới bắt đầu điều trị mà nên dùng kháng sinh phổ rộng ngay sau khi lấy bệnh phẩm.

Nếu nhiễm trùng máu ở giai đoạn đầu và chưa ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tại nhà. Nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển gây sốc nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Trong trường hợp này, bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để điều trị nhiễm trùng huyết bao gồm kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch để chống nhiễm trùng, thuốc vận mạch để tăng huyết áp, insulin để ổn định đường huyết, corticosteroid để kháng viêm và giảm đau.

Khi nhiễm trùng huyết trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch và dùng máy thở. Bác sĩ có thể tiến hành lọc máu trong trường hợp suy thận cấp bằng cách sử dụng thiết bị thay thế chức năng thận để loại bỏ chất thải nguy hại, muối và nước dư thừa từ máu. Một số trường hợp cần phải phẫu thuật để loại bỏ nguồn gốc của nhiễm trùng máu như phẫu thuật hút mủ từ áp-xe hay loại bỏ mô nhiễm trùng.

Nguồn: TimMach.net